Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh.

 Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh.

Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh

Trong xu thế hội nhập quốc tế, Tiếng Anh có vai trò vô cùng quan trọng. Nó là một trong những ngôn ngữ quốc tế được nhiều quốc gia tổ chức dạy học và sử dụng nhất thế giới hiện nay. Nhận thức rõ tầm quan trọng của của việc dạy và học môn Tiếng Anh, ngày 30/9/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”; Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025.

Ngày 12/8/2024  Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KT/TW v/v tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/1/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trong đó đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh với nội dung trọng tâm: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...”.

Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của môn Tiếng Anh, bản thân là một giáo viên dạy môn Tiếng Anh với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, tôi đề xuất “Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường THCS Quảng Đông” như sau:

  1. Thực trạng và nguyên nhân:

Trường THCS Quảng Đông là một trường ven thành phố Thanh Hoá, điều kiện dân trí chưa đồng đều, đa phần là công nhân và nông dân nên việc tạo điều kiện học tập và giao lưu nâng cao kiến thức các môn học nói chung và môn Tiếng Anh nói riêng cho học sinh còn hạn chế; từ đó dẫn đến một thực trạng là chất lượng môn Tiếng Anh của nhà trường trong các năm vừa qua là rất thấp, điển hình trong những năm gần đây, số học sinh tham gia thi học sinh giỏi không đạt giải, điểm bình quân thi vào THPT môn tiếng Anh của trường còn thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn thành phố. Kết quả trên do nhiều nguyên nhân như:

-Về chương trình sách giáo khoa: Chương trình SGK mới rất hay song độ khó cũng cao hơn, hơn nữa chương trình mới tập trung đủ cả 4 kĩ năng: Nghe – nói – đọc – viết. Đối với những học sinh đã mất gốc thì gặp rất nhiều khó khăn để theo được. Mặt khác, chương trình có sự tích hợp, liên thông với các môn văn hóa khác, đòi hỏi học sinh có 1 trình độ văn hóa nhất định mới đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, nhiều học sinh không kham nổi chương trình SGK Tiếng Anh mới.

-Về phía học sinh và gia đình: Nhiều học sinh học coi Tiếng Anh là môn học khó, học không vào nên có tâm lý sợ học, chỉ học đối phó ở trên lớp, về nhà không chịu học, không làm bài tập thầy giao. Nhiều phụ huynh học sinh lấy lí do không có kiến thức về môn Tiếng Anh nên không quản lí được con em mình trong việc tự học ở nhà.

-Về phía giáo viên: Giáo viên tuy có nhiều cố gắng trong việc vận dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, cụ thể hóa các hoạt động của học sinh, nhưng do chất lượng học sinh  chưa đồng đều nên dẫn đến việc khó khăn trong quá trình soạn giảng của giáo viên.

– Về cơ sở vật chất: Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học môn Tiếng Anh còn hạn chế, chưa gây hứng thú cho học sinh.

  1. Biện pháp

Nhìn nhận thấy thực trạng và nguyên nhân của việc dạy và học tiếng Anh trong trường như vậy, cá nhân tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, về phía lãnh đạo nhà trường: Thường xuyên kết hợp với các ban, ngành của địa phương để tuyên truyền đến phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của môn học, từ đó nâng cao được nhận thức của PHHS trong việc quản lí và phân chia có hiệu quả thời gian và phương pháp học tập ở nhà của con em mình.

Quan tâm đầu tư trang thiết bị đáp ứng được yêu cầu của việc dạy học môn Tiếng Anh trong nhà trường. Làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục, huy động sự chung tay của cộng đồng xây dựng môi trường học tập Tiếng Anh.

Hai là, đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy: thực hiện đánh giá, phân loại trình độ của học sinh để xây dựng bài giảng, phương pháp dạy học phù hợp, gây hứng thú cho học sinh, giúp học sinh tiếp thu bài dễ dàng ngay tại lớp.

Ba là, về phía học sinh: cần tìm cho mình một phương pháp học tập tiếng Anh phù hợp nhất. Phân chia thời gian hợp lí, thường xuyên học từ mới, ôn bài trước khi đến lớp, tránh hiện tượng không thuộc bài cũ. Thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong thực tế.

Trên đây là một số biện pháp của cá nhân về thực trạng, nguyên nhân và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh tại trường THCS Quảng Đông.

 

Những tin khác